Tập trung tiêm vắc-xin cho trẻ trên cả nước trong quý I/2024

Bà Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, sẽ tập trung tiêm vắc-xin cho trẻ trên cả nước trong quý I/2024.

 

Tập trung tiêm vắc-xin cho trẻ trên cả nước trong quý I/2024

Vừa qua tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về nội dung công tác truyền thông chính sách Y tế năm 2023 cũng như định hướng truyền thông chính sách y tế trong năm 2024.

TS.Hà Anh Đức phát biểu tại sự kiện.

 Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS.Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế đánh giá cao vai trò của cơ quan báo chí trong công tác truyền thông chính sách.

TS. Hà Anh Đức nói rằng, ngành Y tế luôn xác định báo chí giúp người dân nhanh chóng tiếp nhận thông tin chính sách y tế, đồng thời tham gia vào quá trình hoạch định, thảo luận, phản biện chính sách đúng với tinh thần lấy người dân làm trung tâm trong truyền thông chính sách y tế.

Bộ Y tế mong muốn tăng cường xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa ngành Y tế với các cơ quan báo chí, truyền thông vì lợi ích sức khỏe của nhân dân.

Trong thời gian qua, các hoạt động truyền thông chính sách y tế đã được triển khai với quan điểm “Kịp thời - Minh bạch - Chính xác và Tin cậy”.

Thông tin tại Hội thảo, các đại biểu được cung cấp thông tin về các lĩnh vực về dự phòng, khám, chữa bệnh, bảo hiểm y tế, các khuyến cáo mới của Bộ Y tế về phòng chống lây truyền qua đường hô hấp; một số điểm mới của Luật Khám, chữa bệnh...

Báo cáo tại Hội thảo bà Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết sẽ tập trung tiêm vắc-xin cho trẻ trên cả nước trong quý I/2024.

Theo đó, từ năm 1994, Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam đã được bao phủ 100% xã, phường trên toàn quốc. Đây là điểm sáng của ngành Y tế trong việc thực hiện công bằng về chăm sóc sức khỏe nhân dân, tiêm chủng đã đến được với tất cả trẻ em từ thành thị, nông thôn đến tận biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Ngày 15/12/2023, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã tiếp nhận 490.600 liều vắc-xin DPT-VGB-Hib (vắc-xin phối hợp 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib, viêm màng não mủ do Hib) để triển khai trong tiêm chủng thường xuyên cho trẻ trong các tháng đầu năm 2024.

Theo kế hoạch, trong quý I/2024 sẽ ưu tiên cho trẻ từ 2 tháng tuổi chưa được tiêm mũi 1 vắc-xin DPT-VGB-Hib, bao gồm cả trẻ hơn 12 tháng tuổi, trong đó ưu tiên tiêm trước cho nhóm tuổi nhỏ nhất. Tiêm trả mũi 2, mũi 3 cho trẻ chưa được tiêm đủ ba mũi vắc-xin DPT-VGB-Hib gồm cả trẻ hơn 12 tháng tuổi.

Ngoài ra, trong quý I/2024, Chương trình tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng bù mũi, tiêm vét cho trẻ bảo đảm an toàn tiêm chủng, đặc biệt một số vắc-xin phòng, chống dịch trong mùa đông-xuân như sởi, rubella...; tiếp tục tăng cường giám sát các bệnh tiêm chủng mở rộng như sởi, rubella, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván sơ sinh, giám sát điểm ca tiêu chảy cấp do virus Rota…

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã được trao đổi với Bộ Y tế cùng đóng góp ý kiến để giúp cho việc chia sẻ, cung cấp thông tin cho báo chí được tốt hơn nữa.

WHO có thông báo về dịch Covid-19

Trong thông cáo báo chí toàn cầu được phát đi ngày 20-12 (giờ Việt Nam), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết vừa phân loại JN.1 là một "biến chủng cần quan tâm" (VOI) riêng biệt mới do mức độ lây lan ngày càng nhanh chóng của nó.

Trước đây, JN.1 chỉ được xem như một phần của nhánh BA.2.86 thuộc biến chủng Omicron gây bệnh Covid-19 BA.2.86 cũng là một VOI. Đây là cấp độ phân loại thấp hơn "biến chủng gây lo ngại" (VOC) như chủng gốc Alpha, Delta, Omicron gốc…

JN.1 được nhắc đến vài tháng qua như thủ phạm của làn sóng COVID-19 mới bắt đầu từ cuối mùa thu ở khu vực Âu - Mỹ. Sau khi được xác định lần đầu ở Luxembourg vào tháng 8, biến thể mới JN.1 đã nhanh chóng tạo thành một dòng biến chủng chiếm ưu thế ở nhiều nơi.

Được biết, tính đến ngày 10/12, JN.1 đã được phát hiện ở ít nhất 40 quốc gia, với tỉ lệ cao nhất ghi nhận tại châu Âu. Trong vài tuần qua, đến lượt nhiều quốc gia châu Á ghi nhận làn sóng COVID-19 mới, liên quan ít nhiều tới JN.1.

Tuy nhiên, theo WHO, cần thận trọng do Covid-19 không phải là tác nhân gây bệnh hô hấp duy nhất hiện nay. Mùa đông đang bắt đầu ở Bắc bán cầu với sự gia tăng đồng thời của cúm, virus hợp bào hô hấp (RSV), viêm phổi thông thường ở trẻ em… Kết hợp lại, các mầm bệnh này có thể gia tăng gánh nặng lên hệ thống y tế.

Trời rét đậm, bệnh nhân đột quỵ, tim mạch, bệnh lý thần kinh tăng 10-15%

TS. Võ Hồng Khôi, Giám đốc Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mấy ngày trời trở lạnh, các bệnh nhân vào cấp cứu tại Trung tâm cấp cứu A9, Trung tâm đột quỵ, Trung tâm thần kinh đều tăng lên.

Thời tiết lạnh không chỉ ảnh hưởng đến bệnh nhân lớn tuổi, mà kể cả người trẻ. Các bệnh nhân không chỉ bị đột quỵ, tim mạch, mà mắc các bệnh lý khác như đột quỵ não, bệnh lý thần kinh, đặc biệt bệnh nhân nặng ở tuyến dưới chuyển lên, khiến toàn bệnh viện đều quá tải.

Theo chuyên gia này, số bệnh nhân nhập viện tăng ít nhất 10-15%. Như tại Trung tâm thần kinh, bình thường 30-50 bệnh nhân vào một ngày, đêm.

Trong đợt lạnh này, ngày nào cũng trên 50 ca vào viện, có ngày 60-70. Bệnh nhân mắc đa bệnh lý, từ đột quỵ não, chảy máu dưới nhện, huyết khối tĩnh mạch não, viêm não tự miễn, viêm não virus, bệnh lý nhiễm trùng, thần kinh... Có ca trực phải 12 y bác sĩ trực nhưng vẫn quay cuồng với bệnh nhân đông.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, trong khoảng thời gian vàng từ 3-4 giờ đầu sau khi khởi phát đột quỵ, nếu người bệnh được đưa đến bệnh viện chữa trị kịp thời thì cơ hội sống sót và phục hồi rất cao.

Trong khi đó, điều trị muộn, không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết. Thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong.

Vì thế, khi xuất hiện các dấu hiệu như đột ngột nói khó, liệt ½ người, nhìn mờ 1 bên mắt, liệt nửa mặt…thì gia đình chủ động gọi cấp cứu hoặc đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.