Hoàn thiện kế hoạch hành động ngành y tế về chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa giai đoạn năm 2014 – 2020

Ngày 18/12, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo “Hoàn thiện kế hoạch hành động ngành y tế về chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa giai đoạn năm 2014 – 2020”.

Tham dự hội thảo có PGS. TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế; Đại diện Ủy ban phòng chống lụt bão trung ương, các chuyên gia về phòng chống thảm họa, đại diện các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ Y tế.

Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều thảm họa, đặc biệt là do bão, lũ, sạt lở đất. Các thảm họa này hàng năm đã làm hàng trăm người chết, thiệt hại kinh tế hàng ngàn tỷ đồng và làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Hậu quả của thảm họa cũng làm ảnh hưởng lớn tới cơ sở vật chất của ngành Y tế và ảnh hưởng đến sức khỏe con người (tử vong, chấn thương, mắc bệnh, ảnh hưởng về mặt tâm lý). Tính từ năm 2002 đến 2010, tần suất và mức độ trầm trọng của thảm họa ở Việt Nam ngày càng gia tăng, quy mô thảm họa lan rộng khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam với đủ loại hình từ lũ quét, bão, lụt và sạt lở đất. Số đợt bão lũ và cường độ ngày càng gia tăng. Cùng với sự gia tăng của thảm họa, số cá trường hợp tử vong và thương tích do bão lũ gây nên cũng càng ngày càng gia tăng.

Hoàn thiện kế hoạch hành động ngành y tế về chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên nhằm nâng cao năng lực chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thảm họa của ngành y tế, đảm bảo việc cung cấp một cách kịp thời, hiệu quả dịch vụ y tế trước, trong và sau thảm họa nhằm giảm tỷ lệ tử vong, bệnh tật và thương tích do các nguyên nhân liên quan đến thảm họa. Cụ thể: Tăng cường năng lực hệt hống tổ chức, điều hành, quản lý công tác chuẩn bị, đáp ứng và khắc phục hậu quả thảm họa của ngành Y tế từ Trung ương đến địa phương; Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách của ngành y tế trong chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thảm họa; Tăng cường năng lực của các cơ sở y tế nhằm cung cấp dịch vụ y tế (bao gồm cả chăm sóc sức khỏe sinh sản) một cách hiệu quả và kịp thời trong tình huống thảm họa; Thiết lập hệ thống thông tin và giám sát quốc gia của ngành Y tế về thảm họa để đánh giá tác động và làm cơ sở cho việc chủ động chuẩn bị, ứng phó với thảm họa; Xây dựng và đưa vào triển khai các cơ sở đào tạo và nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ứng phó với thảm họa và làm tiền đề cho xây dựng chính sách và phát triển mô hình chuyên ngành Quản lý thảm họa/Y học Thảm họa tại Việt Nam.