Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phiên trả lời chất vấn tại UBTVQH chiều 1/4 của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục “nóng” với vấn đề y đức, nâng cao chất lượng dịch vụ, hạ tầng ngành Y cũng như giá thuốc, đảm bảo VSATTP.

Từ các đầu cầu địa phương, các Đoàn đại biểu Quốc hội nêu lại những vụ việc nổi cộm trong ngành Y liên quan đến việc xây dựng đội ngũ y bác sỹ đủ về số lượng, nhưng cũng đảm bảo phẩm chất và đạo đức của người thầy thuốc; những vụ việc vi phạm quy chế chuyên môn, quy tắc ứng xử, hay có thái độ không đúng mực và gây phiền hà cho bệnh nhân và bức xúc trong xã hội.

Không lo thiếu bác sỹ

Chia sẻ với các đại biểu, cử tri, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, với tốc độ đào tạo bác sỹ như hiện nay, trong khoảng vài năm nữa không lo thiếu bác sỹ, thậm chí ở các đô thị, trung tâm kinh tế có khả năng xảy ra tình trạng thừa bác sỹ vì nhiều bác sỹ không muốn đi làm việc ở địa phương, đặc biệt là y tế tuyến huyện.

Theo Bộ trưởng, thực hiện chính sách đưa bác sỹ về địa phương, đặc biệt là tại 63 huyện nghèo, hiện bệnh viện tuyến huyện cũng đã có đủ bác sỹ. Còn ở tuyến xã, 74,4% số trạm y tế đã có bác sỹ làm việc (bao gồm cả xã có bác sỹ làm việc từ 3 ngày/tuần trở lên). Tuy nhiên, vấn đề đưa bác sỹ về cơ sở chỉ là giải pháp tạm thời. Để giải quyết căn cơ vấn đề này, Bộ Y tế sẽ có quy định về nghĩa vụ của bác sỹ trong việc luân chuyển từ tuyến trên về tuyến dưới trong thời hạn nhất định.

“Chúng tôi sẽ có quy định, tất cả bác sỹ ở tuyến trên phải có nghĩa vụ về tuyến dưới làm việc có thời hạn. Họ không phải làm việc lâu dài ở tuyến dưới nhưng cũng không phải về công tác 1-2 ngày rồi lại đi” - Bộ trưởng Y tế cho biết và đánh giá, vấn đề hiện nay không phải lo về số lượng bác sỹ mà là lo về chất lượng của đội ngũ này.

Trước chất vấn, phản ánh của các đại biểu Quốc hội cho rằng y đức đang xuống cấp, tiếp tục gây bức xúc cho người bệnh, gia đình bệnh nhân cũng như xã hội, Bộ trưởng Y tế khẳng định, tình trạng này đã có chuyển biến tích cực kể từ khi Bộ Y tế triển khai hàng loạt những biện pháp thiết lập lại kỷ cương, khôi phục y đức ngành Y.

"Đường dây nóng" của Bộ Y tế là một trong những biện pháp tích cực để bệnh nhân, người nhà bệnh nhân phản ánh, ngăn chặn hiện tượng tiêu cực tại các cơ sở y tế. Trong 5 tháng qua, lãnh đạo ngành đã nhận được 6.700 cuộc gọi, trong đó có 2.000 cuộc là phản ánh đúng chủ đề. Trong số này có 40% cuộc gọi phản ánh về thái độ, y đức; 25% phản ánh về cơ sở khám chữa bệnh không đáp ứng yêu cầu;... còn lại là phản ánh về nội dung khác nằm ngoài thẩm quyền xử lý của ngành Y. Với những trường hợp phản ánh về thái độ của nhân viên y tế không đúng mực hoặc có hành vi tiêu cực, sau khi điều tra, nếu đúng như phản ánh sẽ bị xử lý buộc thôi việc, cảnh cáo, hạ bậc lương, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.

Bên cạnh phản ánh hiện tượng tiêu cực, sai phạm, đường dây nóng, ngành Y cũng đã nhận được không ít lời khen của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về chất lượng phục vụ, thái độ của rất nhiều nhân viên y tế.

Theo Bộ Y tế, các ý kiến phản ánh chất lượng, thái độ phục vụ sẽ là cơ sở để ngành một mặt xử lý nghiêm đối với sai phạm; mặt khác kịp thời khen thưởng, động viên những nhân viên y tế thực hiện tốt y đức, tận tâm, tận lực với công việc.

Cần chế độ đãi ngộ tương xứng

Người đứng đầu ngành Y tế cũng cho biết thêm, để nâng cao y đức thì cần phải giảm tải thông qua tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng khám chữa bệnh và thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, cụ thể là nâng viện phí. “Nếu 2 nội dung này không thực hiện triệt để thì việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao y đức khó đạt được mong muốn”, bà Tiến nói.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, về lâu dài, giá dịch vụ y tế phải tính đúng, tính đủ. Nhà nước chỉ hỗ trợ về tài chính cho một số đối tượng và cũng chỉ hỗ trợ thông qua bảo hiểm y tế chứ không cấp ngân sách cho cơ sở y tế Nhà nước. Chỉ có như vậy, cơ sở y tế nhà nước mới nâng cao chất lượng, nâng cao y đức, thay đổi thái độ khi tiếp xúc với bệnh nhân, gia đình bệnh nhân để cạnh tranh với cơ sở y tế tư nhân.

Mặt khác, lương và phụ cấp của ngành Y tế đang đứng thứ 17/18 ngành trong khi thi đầu vào rất khó khăn, thời gian đào tạo dài, tốn kém. Phụ cấp trực, phụ cấp mổ được ví với thu nhập của những công việc hết sức giản đơn, Bộ trưởng cho biết.

Trước phàn nàn của nhiều đại biểu địa phương về yếu kém trong đầu tư cơ sở hạ tầng ngành Y tế, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, trong giai đoạn 2005-2008, đầu tư từ ngân sách Trung ương để nâng cấp bệnh viện huyện và bệnh viện đa khoa khu vực là 8.350 tỷ đồng (đã bố trí 2.628 tỷ đồng); đầu tư từ trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn 2008-2013 là 13.933 tỷ đồng, giai đoạn 2014-2016 là 8.103 tỷ đồng; chưa kể, tính đến hết năm 2011, ngân sách các địa phương bố trí được khoảng 2.693 tỷ đồng cho các dự án. Đầu tư cho y tế luôn là ưu tiên hàng đầu trong các chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng vẫn thấp so với yêu cầu ngày càng lớn của công tác khám chữa bệnh (KCB) trên cả nước.

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Y tế cũng cho biết thêm, giá thuốc chữa bệnh của Việt Nam chưa phải là cao nhất như nhiều phản ánh. Theo khảo sát của Bộ Y tế tại một số nước trong khu vực như Trung Quốc và Thái Lan, giá một số thuốc chữa bệnh của 2 nước này đều cao hơn Việt Nam từ 50-150%. Vấn đề thuốc chữa bệnh hiện nay là phải nâng cao, ưu tiên tỷ lệ sử dụng thuốc nội trong KCB. Các cơ chế đấu thầu mới ban hành cũng đã kiềm chế được giá thuốc cũng như tăng tỷ lệ sử dụng thuốc nội. Báo cáo tổng hợp cho biết chi phí sử dụng thuốc trong BHYT có nơi giảm 15-40%, trong khi tỷ lệ sử dụng thuốc nội cao gấp đôi.

 (Theo Chinhphu.vn)