Những sự kiện “khó quên” của y tế Việt Nam 2013

Có thể nói 2013 là một năm nhiều chuyện chấn động của ngành y tế. Một năm ngành y tế Việt Nam có quá nhiều sự việc gây bức xúc dư luận bên cạnh những thành tựu cũng đáng ghi nhận.

1. Bác sỹ ném xác phi tang nạn nhân thẩm mỹ Cát Tường

Đây là một vụ việc chấn động, gây hoang mang dư luận mà chính Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận rất bàng hoàng và chưa hề có tiền lệ nào trong ngành y.

Nạn nhân là chị Lê Thị Thanh Huyền (39 tuổi, ngụ quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến làm phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực ở Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường.

Ca phẫu thuật khiến chị Huyền tử vong. Đỉnh điểm của tội ác gây phẫn nộ dư luận là bác sĩ Tường đã mang thi thể nạn nhân vứt xuống sông Hồng phi tang.

Sự việc làm rúng động ngành y tế và cả dư luận trong suốt thời gian qua mà hậu quả vẫn còn dai dẳng. Nỗi mất mát, đau khổ của người nhà nạn nhân vẫn còn hiển hiện, và sau hơn hai tháng dốc sức tìm kiếm vẫn chưa thấy thi thể chị Huyền.

Một lễ tang không có thi thể, một lễ cầu siêu đầy nước mắt, sự ghê sợ và phẫn nộ.

Đây là sự việc khiến hầu như các y bác sĩ, những người làm trong ngành y tế nghe tin đều rùng mình, “sốc”, phẫn nộ.

2. Liên tiếp trẻ tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem

Chưa đầy 2 tháng sau khi Bộ Y tế cho phép tiếp tục tiêm lại vắc xin Quinvaxem “5 trong 1” trên cả nước đã có hai trẻ tử vong và hàng trăm trẻ nhập viện do phản ứng sau tiêm.

Trước đó, từ tháng 12.2012 đến cuối tháng 4.2013, liên tiếp có 9 trường hợp tai biến dẫn đến tử vong và hàng chục ca phản ứng sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem ở trẻ.

Bộ Y tế đã ra quyết định tạm ngưng tiêm vắc xin này trong cả nước từ ngày 4.5 để điều tra. Sau 5 tháng (tháng 10.2013), Bộ Y tế đã quyết định tiếp tục tiêm lại vắc xin này trên cả nước.

Gần đây nhất là ngày 24.11, ngành y tế ghi nhận thêm một trường hợp bé gái 5 tuổi tại Bạc Liêu tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem.

Theo Bộ Y tế, trường hợp tử vong nêu trên được ghi nhận là một trường hợp trong tổng số gần 400.000 liều vắc xin Quinvaxem đã được sử dụng lại từ tháng 10.2013 đến nay.

Sau đó, hội đồng chuyên môn Bộ Y tế kết luận rằng nguyên nhân tử vong của cháu bé tại Bạc Liêu là do suy hô hấp, suy tuần hoàn sau tiêm, song chưa loại trừ nguyên nhân do trùng hợp bệnh lý khác gây tử vong. Hội đồng này loại trừ nguyên nhân tử vong do vắc xin và thực hành tiêm chủng.

Tuy nhiên, dư luận và đặc biệt là các bậc phụ huynh có con nhỏ không khỏi hoang man, lo lắng về độ an toàn của vắc xin, cũng như chưa đồng tình với những câu trả lời, cách giải thích và hướng xử lý của Bộ Y tế.

3. “Nhân bản” kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân

Vào đầu tháng 8/2013, vụ việc “nhân bản kết quả xét nghiệm” để rút ruột BHYT diễn ra tại bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội) bị phanh phui khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ.

Sự việc bắt đầu từ đơn tố cáo của chị Hoàng Thị Nguyệt – cán bộ khoa xét nghiệm của bệnh viện này. Theo đó, giám đốc bệnh viện Nguyễn Trí Liêm đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền “nhân bản” một loạt xét nghiệm huyết học của các bệnh nhân để trục lợi.

Kết quả là có rất nhiều bệnh nhân có kết quả xét nghiệm máu giống hệt nhau. Sự việc không gây hậu quả lớn về kinh tế (với số tiền trục lợi được xác định là trên 16 triệu đồng) song về vấn đề đạo đức thì không thể chấp nhận được.

Công an Hà Nội đã vào cuộc điều tra và khởi tố 10 người liên quan đến vụ án này.

4. Tráo thủy tinh thể tại Bệnh viện Mắt Hà Nội

Sau khi nhận được đơn tố cáo của một bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện hơn 700 bệnh nhân mổ mắt thủy tinh thể tại bệnh viện này đã bị tráo thủy tinh thể và dịch nhầy từ loại đắt tiền sang loại rẻ tiền.

Cụ thể, bệnh viện đã dùng thủy tinh thể của Trung Quốc, Hàn Quốc trong phẫu thuật cho bệnh nhân trong khi đó phiếu thu tiền lại thể hiện là sử dụng thủy tinh thể của Mỹ. Chênh lệch tiền giữa hai loại thủy tinh thể này khoảng từ 20.000 - 30.000 đ/thủy tinh thể.

Theo thanh tra Sở Y tế Hà Nội kết luận sự việc do sai sót về thủ tục hành chính. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, công tác tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, người đã tố cáo về các vi phạm tại bệnh viện, không đồng tình với kết luận trên.

5.  Ba trẻ tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B

Vụ việc xảy ra vào ngày 20.7, tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị). Ba cháu bé sơ sinh đã tử vong ngay sau khi được tiêm vắc xin phòng viêm gan B.

Cả ba sản phụ cùng nhập viện và việc sinh nở đều diễn ra bình thường. Các cháu bé mới sinh đều khỏe mạnh, bú tốt. Tuy nhiên, sau khi được các y tá tiêm vắc xin viêm gan B (mũi dành để tiêm cho trẻ sơ sinh sau khi chào đời không quá 24 giờ, nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia) thì bỗng nhiên các bé tím tái, khó thở và tử vong.

Sự việc gây “sốc” cho gia đình các bé cũng như trong dư luận khi biết thông tin trên.

Công an tỉnh Quảng Trị đã vào cuộc điều tra và quyết định khởi tố vụ án “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”.

6. “Ăn bớt” vắc xin tiêm cho trẻ

Sự việc xảy ra tại phòng tiêm 70 Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội). Một nhân viên viên y tế tại đây đã bị gia đình có con đi tiêm phòng bắt quả tang tiêm không đủ liều vắc xin cho con của họ. Sau khi nhận được thông tin và tiến hành xác minh, thanh tra Sở Y tế Hà Nội kết luận có việc “ăn bớt” trên.

Nhân viên y tế vi phạm đã bị đỉnh chỉ công việc tại phòng tiêm, làm báo cáo tường trình.

7. Trả trẻ sơ sinh còn sống về lo hậu sự

Cho rằng cháu bé mới sinh nặng 700g đã chết, Bệnh viện đa khoa Quảng Nam đề nghị người nhà đưa về lo hậu sự. Trên đường mang con đi chôn cất, gia đình phát hiện bé vẫn còn thở.

Gia đình sản phụ Lữ Thị Lâm Quy (27 tuổi, trú thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, Quảng Nam) bức xúc cho rằng các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa Quảng Nam đã thiếu trách nhiệm khi trả đứa trẻ còn sống để gia đình đưa về nhà chôn cất.

8. Những nỗ lực đáng ghi nhận của y tế Việt Nam 2013

Bên cạnh những câu chuyện đắng lòng bệnh nhân trong năm qua của ngành y thì vẫn còn có những nỗ lực đáng ghi nhận của y bác sĩ an ủi niềm tin của mọi người.

Đó là sự kiện ca sinh 5 thành công ở bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM). Người mẹ thụ thai bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo bằng cách bơm tinh trùng vào tử cung ở một phòng khám tư nhân.

Tuy không được theo dõi sát sao nhưng rất may mắn, cuối cùng người mẹ này cũng vượt cạn thành công với 5 đứa con khỏe mạnh.

Tiếp đến là sự kiện tách rời cặp song sinh Long – Phụng tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, do bác sĩ Trương Quang Định, Phó Giám đốc bệnh viện làm “đạo diễn”.

Vượt qua những khó khăn trong công tác chẩn đoán, các bác sĩ đến từ Viện tim, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và Nhi Đồng 2 TP.HCM đã có những thành công bước đầu. Tổng cộng 70 y bác sĩ, 70 trái tim, 70 trí óc đã làm việc hết mình trong gần 10 tiếng đồng hồ, hy vọng đem lại cuộc sống mới cho 2 thiên thần bé nhỏ.

Sự kiện tiếp theo là việc mổ cấp cứu ngay tại nhà bệnh nhân của nhóm bác sỹ Lê Hải Dương (bộ môn Sản, ĐH Y Thái Bình) cùng kíp phẫu thuật (gồm tổng cộng 5 người, đến từ bệnh viện Phụ sản Thái Bình và Bộ môn Sản, ĐH Y Thái Bình).

Bệnh nhân bị mất máu quá nhiều, không thể chuyển tới trạm y tế nên đã được các bác sỹ tiến hành mổ ngay trên bàn uống nước của nhà bệnh nhân với điều kiện kỹ thuật rất hạn hẹp. May mắn cuối cùng bệnh nhân được cứu sống. Bộ trưởng Bộ Y tế đã gửi thư biểu dương, khen ngợi nhóm bác sỹ đã hết lòng vì người bệnh.