Họp nhóm đối tác y tế (HPG) lần thứ IV

Chiều 10/12, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp Nhóm Đối tác Y tế (HPG) lần thứ 4 của năm 2013 do Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Điều phối viên Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Pratibha Mehta và Bà Bérénice Muraille, Trưởng Cơ quan Hợp tác Phát triển của Liên minh châu Âu (EU) đồng chủ trì.

Tại cuộc họp HPG lần này, các đối tác phát triển tham gia góp ý đề án trình Bộ Chính trị về tăng cường y tế cơ sở trong tình hình mới. Đồng thời, Bộ Y tế và các đối tác phát triển  thông qua Văn kiện Đối tác Y tế Việt Nam.Bộ Y tế là bộ đầu tiên đi tiên phong xây dựng văn kiện này. Do đó, Văn kiện Đối tác Y tế Việt Nam đã được Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư đánh giá cao, được coi là điểm sáng cho các bộ ngành noi theo về những nỗ lực tăng cường hiệu quả viện trợ.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Y tế Việt Nam PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, quan hệ hợp tác phát triển của Việt Nam với các đối tác phát triển tiếp tục được tăng cường và phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu với quy mô vốn ODA cam kết hàng năm đều tăng, kể cả lúc kinh tế thế giới rơi vào trì trệ và khủng hoảng. Sự hỗ trợ đã tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên phát triển của Việt Nam, đặc biệt là tăng cường cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo, phát triển thể chế và nguồn nhân lực, đặc biệt là y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, hiện tại Bộ Y tế đang trình Bộ chính trị đề án Tăng cường hệ thống y tế cơ sở trong tình hình mới nhằm đẩy mạnh hơn nữa tiến trình cải thiện chất lượng và cơ sở hạ tầng của tuyến y tế mà người dân có thể dễ dàng tiếp cận. Mục tiêu của đề án này nhằm tạo bước chuyển biến đột phá và toàn diện về tổ chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ và cơ chế hoạt động của y tế cơ sở nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, đáp ứng nhu cầu của người dân tại cộng đồng, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.

Phát biểu tại cuộc họp, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên LHQ tại Việt Nam cho biết Việt Nam đã đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) về xoá đói giảm nghèo, giáo dục, tử vong mẹ và trẻ sơ sinh dưới 5 tuổi. Các mục tiêu MDG khác đang trên đà đạt được đến năm 2015. Bà cũng cho biết, Văn kiện Đối tác Y tế Việt Nam (VHPD) mới  hy vọng sẽ thể hiện vai trò chuyển đổi chuyển của y tế trong phát triển. Văn kiện Đối tác Y tế Việt Nam thể hiện rõ nhu cầu, ưu tiên của ngành y tế Việt Nam trong thực hiện kế hoạch 5 năm ngành y tế 2011-2015, Chiến lược bảo vệ, và nâng cao sức khoẻ nhân dân 2011-2020 và các nhiệm vụ trọng tâm khác của ngành y tế trong thời kỳ mới.
Thay mặt các đối tác phát triển, TS. Takeshi Kasai, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đã đóng góp cho đề án tăng cường hệ thống y tế cơ sở như sau:
“Việt Nam từ lâu đã được công nhận nhờ hệ thống y tế cơ sở vững mạnh.Những thành tựu nổi bật của Việt Nam như hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) liên quan đến y tế, tăng tuổi thọ trung bình lên đáng kể trong 10 năm qua nhờ vào hệ thống y tế cơ sở này, đặc biệt cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương  và những vùng xa xôi hẻo lánh.
Việt Nam đang chuẩn bị đối mặt với các thách thức mới như già hoá dân số, sự gia tăng của các bệnh không truyền nhiễm, sự bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ y tế, và những kỳ vọng thay đổi mô hình dân số liên quan tới thể loại và chất lượng dịch vụ, cải cách mạng lưới y tế cơ sở là tối quan trọng. dự thảo nghị quyết trình bộ chính trị về tăng cường hệ thống y tế cơ sở do đó là bước đi kịp thời và quan trọng nhằm duy trì những gì đã đạt được và giải quyết các thách thức phức tạp mới.
Mục tiêu và hướng đi của Nghị quyết của Bộ Chính trị rất đáng hoan nghênh và là các bước đi đúng hướng. Là các đối tác phát triển, chúng tôi cam kết hỗ trợ chính phủ trong đẩy mạnh các bước đi này.
Hệ thống y tế mới cần chuẩn bị cho tương lai, có khả năng ứng phó với các bệnh không truyền nhiễm và già hoá dân số. Dịch vụ cần tập trung vào phòng bệnh. Tài chính bền vững cũng là chìa khoá cho quá trình cải cách này. Chất lượng dịch vụ y tế nằm ở nguồn nhân lực và chất lượng thực hành tốt,….”